Túi mật có nhiệm vụ lưu giữ mật – chất lỏng được sản xuất bởi gan gồm có nhiều thành phần như: cholesterol, bilirubin (sắc tố mật) và muối mật,…và một số thành phần khác. Trong bữa ăn, túi mật co bóp để đưa dịch mật vào ruột non, hỗ trợ tiêu hóa chất béo.

Sỏi túi mật là bệnh gì? Sỏi này được hình thành khi có sự lắng đọng, kết tụ của các thành phần trong dịch mật, có kích thước dao động từ vài mm đến vài cm.

Nguyên nhân gây ra sỏi túi mật

Sỏi túi mật được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật. Ví dụ như khi lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay khi lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol.

Ngoài ra, còn có thể gặp sỏi sắc tố mật hình thành do sự kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan,…

Một số yếu tố nguy cơ phát triển sỏi túi mật

  • Di truyền: nếu trong gia đình bạn có người mắc sỏi túi mật, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;
  • Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn nam giới;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Giảm vận động của túi mật: do ít vận động, ngồi nhiều; chế độ ăn uống quá kiêng khem hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch;
  • Chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol.

Biểu hiện của bệnh sỏi túi mật là gì?

Đau bụng

Vị trí đau của túi mật ở vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị. Tùy theo thương tổn của túi mật, người bệnh có thể gặp những cơn đau dữ dội hoặc đau âm ỉ, đau dai dẳng hoặc thoáng qua. Đặc điểm đau của túi mật là cơn đau tăng lên sau ăn, khác với đau dạ dày thường là đau nhiều hơn khi đói. Không kể trường hợp đau dữ dội, cơn đau của túi mật nhiều khi khó phân biệt với đau của các bệnh dạ dày.

Rối loạn tiêu hóa

Cơn đau cấp tính ở túi mật có thể gây ra tình trạng buồn nôn và nôn ói. Một số trường hợp có thể cảm giác đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ.

Vàng da

Bệnh sỏi túi mật ít khi gây vàng da vì túi mật chỉ là bộ phận phụ bên cạnh đường mật chính. Biểu hiện đầu tiên của vàng da là nước tiểu vàng sậm, kế đến là mắt vàng và sau đó là da vàng. Nếu chỉ thấy da vàng thôi, trong khi nước tiểu không vàng thì không phải là chứng vàng da.

Vàng da chỉ xuất hiện khi thương tổn ở túi mật quá nặng nên gây tắc nghẽn đường mật chính, như trong trường hợp sỏi túi mật rơi xuống đường mật chính, viêm túi mật cấp gây phù nề ứ trệ đường mật, viêm túi mật mãn gây dính tắc vùng ngã ba túi mật – đường mật, u túi mật xâm lấn đường mật.

Sốt

Là biểu hiện khi xảy ra nhiễm trùng ở túi mật, một biến chứng thường gặp của bệnh sỏi túi mật.

Sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng khó lường. Nếu vị trí sỏi ở cổ túi mật, sẽ cản trở sự lưu thông bình thường của dịch mật, gây tắc nghẽn đường mật, muối mật kích thích gây tổn thương thành túi mật. Khi đó, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong túi mật và phát triển gây ra viêm túi mật cấp.

Sỏi túi mật điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị không phẫu thuật

Nếu bạn bị sỏi túi mật mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc để hòa tan sỏi mật. Những thuốc hóa dược này với bản chất là acid mật, chỉ có tác dụng với sỏi cholestel kích thước nhỏ hơn 1.5cm và chưa bị vôi hóa.

Thời gian điều trị có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, nhưng thường bị gián đoạn bởi tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa. Nếu sau khi sử dụng sỏi có thể tan được hoàn toàn, thì chỉ sau 3 đến 5 năm, sỏi vẫn có thể tái phát do không tác động được vào nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị bằng cách phẫu thuật

Khi sỏi túi mật gây biến chứng nghiêm trọng, sỏi chiếm hơn 2/3 diện tích túi mật, gây viêm túi mật tái diễn, thì người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật, khi đó mật được gan sản xuất sẽ tiết trực tiếp xuống ruột non.

Cắt túi mật nội soi: Đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay do tiến hành nhanh và ít biến chứng. Một ngày sau ca phẫu thuật bệnh nhân có thể xuất viện.

Mổ mở cắt bỏ túi mật: Thủ thuật này dùng trong một vài trường hợp chứ không phổ biến lắm. Bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong một vài ngày sau phẫu thuật.

Cách phòng bệnh sỏi túi mật

Ăn đủ bữa: thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy bạn hãy cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, đừng để cơ thể bị bỏ đói.

Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol.

Giảm cân từ từ: sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 – 1 kg mỗi tuần.

Vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều: Để giảm nguy cơ hình thành sỏi, mỗi ngày bạn hãy bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng trong khoảng 30 – 45 phút.

Nếu bạn có thắc mắc hay câu hỏi gì về sức khỏe thì nên đến gặp bác sĩ để được giải đáp, chúng tôi không được phép tư vấn online về những vấn đề này