Tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt những bé dưới 5 tuổi. Các bậc cha mẹ không nên chủ quan với bệnh này vì vốn bệnh này chưa có thuốc đặc trị. Cho nên trước hết cần nắm rõ dấu hiệu bệnh tay chân miệng là gì để có hướng phòng ngừa tốt cho con trẻ.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Biểu hiện ban đầu của bệnh tay chân miệng

Ban đầu, trẻ bệnh tay chân miệng thường sốt nhẹ, than đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn thấy rõ. Kèm theo đó là trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi,… Rồi đến những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.

Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sỹ?

Với các dấu hiệu vừa kể trên, cộng với việc trẻ bắt đầu sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cần đưa đến bệnh viện kịp thời.

Nếu để trễ từ 6 đến 12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, lừ đừ, run rẩy tay chân, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Tay chân miệng nếu được phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời thì trong trường hợp có biến chứng cũng có thể cứu được. Và điều may mắn nhất đến nay là khi được cứu, trẻ bị tay chân miệng không có di chứng nặng nề nào cho sự phát triển về sau.

Hằng ngày các cha mẹ vẫn có thể tự phòng bệnh cho con em mình ngay tại nhà, có như vậy mới chủ động giúp trẻ phòng tránh được bệnh tay chân miệng, cũng như những bệnh khác.

Tự phòng bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng

Rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và trong khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống

Nên ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, muỗng, đồ chơi,…

Song song đó là thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh

Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn (sữa tắm có thể không đủ khả năng diệt khuẩn). Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.

Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ.

Đặc biệt là nên cho trẻ khám bệnh định kỳ 6 tháng một lần để giữ cho bé yêu luôn khỏe mạnh, nếu có bệnh thì được phát hiện và điều trị kịp thời.

5/5 - (2 bình chọn)