Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến hiện nay, nó có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Người dân sinh sống ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt,… sẽ dễ mắc bệnh ghẻ hơn. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị đến nơi đến chốn, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vậy biểu hiện của bệnh ghẻ là gì và chúng ta nên làm gì khi bị bệnh ghẻ?

Biểu hiện của bệnh ghẻ

  • Các biểu hiện thông thường của bệnh ghẻ đó là mụn nước nổi lên rải rác ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là “săng ghẻ”, dễ nhầm với săng giang mai.
  • Biểu hiện tiếp theo đó là sẩn cục hay sẩn huyết thanh, hay gặp ở nách, bẹn, bìu.
  • Đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, rất đặc hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do ghẻ cái tạo thành dài, 3-5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chay ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim.
  • Đường hầm hay gặp ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.
  • Trên da có những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ.
  • Triệu chứng cơ năng của bệnh ghẻ: người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.
  • Trong ghẻ vảy, các mảng dày sừng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân lan dần, kèm theo là sự dày lên và loạn dưỡng của các móng, khô các vùng da còn lại.
  • Triệu chứng ngứa rất đa dạng và thậm chí người bệnh không ngứa. Có tới hàng triệu cái ghẻ ký sinh trên da và đây là nguồn lây bệnh lớn.

Làm gì khi bị bệnh ghẻ?

  • Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh. Điều trị đồng thời cho cả người tiếp xúc tình dục và ở chung nhà với bệnh nhân dù có biểu hiện ngứa hay không;
  • Bôi thuốc trị bệnh ghẻ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa, không nên gãi và tự ý mua thuốc về bôi;
  • Điều trị lặp lại sau 1 tuần nếu lâm sàng không cải thiện. Khi chắc chắn không có tái nhiễm và đảm bảo đã điều trị đúng, nếu còn ngứa dai dẳng, đó chỉ là phản ứng dị ứng và chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng viêm bôi tại chỗ;
  • Quần áo, mùng, mền, chiếu, gối nên giặt tẩy thật sạch. Người bệnh cũng có thể nhúng nước sôi, phơi nắng cho thật khô, ủi quần áo trước khi mặc. Làm được việc này sẽ giúp diệt hết cái ghẻ và trứng, đề phòng tái nhiễm hoặc lây lan. Tránh dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân;
  • Bệnh có thể tái phát từng đợt theo chu kỳ 3 tuần do trứng còn sống sót và phát triển thành cái ghẻ trưởng thành. Bắt buộc điều trị lại theo đúng phương pháp.