Ở người lớn tuổi, những người thường xuyên lao động nặng nhọc rất dễ bị gai cột sống, nguyên nhân, biểu hiện bệnh và cách điều trị là gì nếu không tìm hiểu sẽ rất dễ chủ quan.

Nguyên nhân gai cột sống là gì?

Nguyên nhân dẫn đến bệnh gai cột sống là do phần đĩa tròn từ sụn (ta hay nghe gọi là bao xơ đĩa đệm) ở vị trí giữa 2 đốt sống gặp vấn đề. Những người thường hay cúi lên cúi xuống, vận chuyển vật nặng không đúng cách,… thì xương sống lưng và cổ sẽ bị thoái hóa dần. Khi đó, bao xơ cũng dần bị mất nước, nứt và xẹp dần đi.

Tình trạng này dẫn đến các đốt sống liền nhau mòn dần do ma sát, từ từ hình thành nên gai xương, gây đau nhức khó chịu cho người bệnh, chât lượng cuộc sống giảm đi.

Biểu hiện bệnh gai cột sống ra sao?

  • Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi đứng hoặc đi;
  • Nếu gai cột sống thắt lưng thì có thể thấy đau tập trung ở giữa thắt lưng, lan tỏa xuống vùng hông và đau dọc xuống hai chân. Còn trường hợp gai cột sống cổ sẽ bị đau vùng cổ, kéo lên đỉnh đầu gây đau buốt nửa đầu, chóng mặt, buồn nôn, nặng thì cơn đau lan xuống vai và cánh tay làm tê tay;
  • Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống liên quan;
  • Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi;
  • Cơ bắp yếu đi, đặc biệt là ở tay và chân do dây thần kinh bị chèn ép;
  • Mất cân bằng cơ thể;
  • Nếu ống tủy bị thu hẹp quá, bệnh nhân sẽ mất kiểm soát đường đại tiểu tiện.

Cách điều trị gai cột sống

Khi bị gai cột sống, bệnh nhân nên dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Áp dụng các biện pháp mát-xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng có lợi cho bệnh nhân gai cột sống.

Người bệnh bị gai cột sống thường được điều trị bảo tồn bằng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ hay sử dụng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ,…nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.

Bác sỹ sẽ chỉ định phẫu thuật khi đến giai đoạn mạn tính, có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh và gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại tiểu tiện.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật cũng không thể nói 100% dứt điểm, vì gai xương vẫn có thể mọc lại ở cùng vị trí cũ. Trên thực tế, quá trình hình thành gai xương là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm.

Đã bị gai cột sống, người bệnh nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa và tái khám định kỳ để phát hiện sớm các tiến triển không tốt, từ đó có biện pháp xử trí thích hợp cho người bệnh gai cột sống.

Người bệnh gai cột sống cần phải làm gì?

Dĩ nhiên là phải điều chỉnh chế độ ăn uống trước tiên. Chú ý bổ sung chất calcium, vitamin D có trong rau quả. Đồ ăn béo, nhiều mỡ động vật cần lánh xa.

Người nào có thói quen hút thuốc mà bị gai cột sống cần quyết tâm bỏ thuốc, vận động cơ thể nhẹ nhangf và đặc biệt tránh ngồi lì một chỗ quá lâu, tránh ngồi sai tư thế.

Thêm vào đó, những người thừa cân và béo phì hãy nhờ tư vấn từ các chuyên gia để có chế độ giảm cân bài bản, khoa học. Có thể tham gia các lớp yoga, thể dục thẫm mỹ, bơi lội,… với nội dung tập luyện nhẹ nhàng để giảm đau nhức do gai cột sống.

“Nếu bạn có thắc mắc hay câu hỏi gì về sức khỏe thì nên đến gặp bác sĩ để được giải đáp, chúng tôi không được phép tư vấn online về những vấn đề này”