Từ xa xưa, đường phèn đã là một gia vị đặc trưng, vị ngọt thanh, góp phần quan trọng giúp các món ăn, thức uống thêm đậm đà, ngon miệng và được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y. Vậy đường phèn là gì và đường phèn có tác dụng như thế nào đối với sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về đường phèn nhé.

Đường phèn là gì?

Đường phèn có tên khoa học là Saccharose, còn có tên gọi khác là băng đường. Nguyên liệu chính tạo thành đường phèn chính là đường RS (thường được gọi là đường cát trắng). Đường cát trắng càng nguyên chất, càng ít tạp chất thì đường phèn thành phẩm làm ra càng có chất lượng tốt. Đường phèn chứa một vài nguyên tố vi lượng và saccharose. Ngoài ra, chất phụ gia được sử dụng thêm trong quá trình nấu đường phèn chính là trứng gà cùng với vôi. Chính vì các yếu tố trên, đường phèn có thể phân giải thành fructose và glucose.

Trong Đông y, đường phèn vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ và phế. Công năng chủ trị: bổ trung ích khí, hòa vị, nhuận phế, chỉ khái, trừ đàm.

Cách tạo ra đường phèn

Người ta thường dùng 3 phần đường cát trộn với 2 phần nước lã hòa với nước vôi để đánh tan đường, cho vào nấu. Sử dụng vôi để nấu đường phèn có tác dụng làm chắc đường. Vôi nấu đường phải làm loại vôi ăn trầu được hầm bằng vỏ sò, hến, ốc. Lượng vôi sử dụng nhiều hay ít tùy thuộc vào đường nguyên chất đã ăn vôi tới mức nào.

Người thợ dùng trứng gà đã pha chế sẵn cho vào đường sôi để tạp chất nổi lên, vớt nhiều lần cho tới khi sạch. Trứng gà được sử dụng để thay thế cho thuốc tẩy để loại bỏ tạp chất lần 1. Sau khi đường phèn được loại bỏ tạp chất nhẹ nhàng bằng cách cho nổi lên trên và thu lại bằng việc hớt bọt, sẽ tiến hành loại bỏ tạp chất còn sót lại. Tạp chất còn sót lại lúc này là phần nặng hơn, chìm dưới đáy chảo sẽ được tiến hành lọc bằng khăn. Loại khăn lọc bằng vải, có độ dày vừa phải.

 

Quy trình nấu đường phèn thường diễn ra trong 9 – 10 ngày

Sau khi lọc xong hết tạp chất sẽ tới nước nấu cô đường. Công đoạn này giúp đánh giá sự thành công của chảo đường. Sau khi đạt đến độ cần thiết, người thợ múc ra đổ vào vại. Trước khi đổ đường vào vại phải chuẩn bị sẵn một mạng ghim trong vại để đường có chỗ dựa kết tinh, đóng khối. Tuy nhiên, ngày nay, người ta dùng sợi chỉ vừa tiện lợi và rẻ hơn.

Đường trong vại từ 7 – 9 ngày thì nghiêng vại cho mật chảy ra hết. Thường thu được 55% đường phèn so với lượng đường cát ban đầu, với 50% mật và 5% “đường ô” là đường nấu lại từ bọt. Toàn bộ công đoạn nấu đường phèn mất từ 9 – 10 ngày, kết quả là đường sẽ kết tinh thành những tinh thể đường, gồ ghề tựa như những thỏi thạch anh, với nhiều hạt đường hình lập thể. Khi đó họ sẽ kéo những sợi chỉ có đường kết tinh ra khỏi hỗn hợp đường và để khô. Cách nấu đường phèn trên ở dạng thủ công nhưng rất sạch sẽ, tinh khiết.

Tác dụng của đường phèn

Làm nguyên liệu nấu ăn

Đường phèn là một loại gia vị được dùng khá phổ biến trong nấu ăn như làm bánh, làm kẹo, nấu chè, làm nước ngọt… trong nấu ăn, đường phèn được ưa chuộng do đường phèn có khả năng giải nhiệt rất tốt cho sức khỏe. Đường phèn không cần qua quá trình tinh chế nên tốt cho sức khỏe người sử dụng hơn so với đường kính.

Giải nhiệt và thanh mát cơ thể

Đường phèn có thể dùng pha chế thức uống, nấu chè, chưng yến… sẽ giúp cơ thể thư giãn, thấy nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, đường phèn còn giúp cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể dưới dạng glucose, giúp giảm căng thẳng, giảm stress  và nâng cao khả năng của các giác quan.

Ngăn ngừa cơn ho và trị viêm họng

Theo Đông y, đường phèn đem chưng cất với quất hoặc chanh có thể trị ho và viêm họng cực kì hiệu quả. Nguyên nhân là do đường phèn chứa nhiều chất có khả năng cắt cơn ho, làm sạch miệng, làm dịu những cơn đau họng. Nếu có thời gian chưng đường phèn, bạn có thể cho bé ngậm 1 viên đường phèn nhỏ, đây là cách giúp bé giảm đau họng và bớt các cơn ho.

 

Đường phèn có công dụng ngăn ngừa cơn ho và trị viêm họng hiệu quả

Bổ thận sinh tinh

Một tác dụng tuyệt vời của đường phèn mà chắc chắn cánh đàn ông rất ưa thích là bổ thận sinh tinh. Chỉ cần chưng đường phèn với rễ cây đậu bắp sẽ giúp cải thiện và nâng cao đời sống tình dục một cách rất hiệu quả.

Qua bài viết, người đọc đã hiểu rõ đường phèn là gì và công dụng của nó. Bên cạnh là một gia vị trong nấu ăn, đường phèn còn là một phương thuốc quý giá và được rất nhiều người sử dụng để chăm sóc sức khỏe và trị bệnh. Vì vậy, mọi người hãy sử dụng đường phèn đúng cách để mang lại kết quả tốt nhất nhé.