Hạ đường huyết gây ra tình trạng mất tập trung và chóng mặt, đặc biệt nguy hiểm khi đang lưu thông trên đường hoặc không có ai bên cạnh. Một số dấu hiệu hạ đường huyết không nên chủ quan bạn cần nắm rõ để tự phòng cho mình và giúp đỡ người xung quanh khi cần thiết.

Các dấu hiệu hạ đường huyết

Đói cồn cào

Nếu bạn đã ăn đủ bữa như mọi khi, nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, hoặc đột nhiên lên cơn đói mà không hiểu vì sao, có nghĩa cơ thể bạn đang cần nhiều glucose hơn. Tốt nhất hãy bổ sung 15g thực phẩm giàu carbohydrate. Hoặc bạn có thể ăn nho, uống nước cam và ngậm kẹo cứng.

Cảm giác lo lắng

Khi nồng độ glucose giảm quá thấp, các tuyến thượng thận sẽ giải phóng hormon ephinephrine báo hiệu cho gan tiết thêm đường. Các hormon dư thừa tạo ra một cơn sốt adrenaline sinh ra cảm giác lo lắng.

Cảm xúc không ổn định

Thay đổi tâm trạng một cách đột ngột không phải là một điều bình thường, thế nên không được chủ quan khi tâm lý bất thường như vậy nhé. Khi bị hạ đường huyết, bạn có thể bỗng dưng cáu giận, buồn bã, khóc lóc, chỉ muốn ở một mình. Một số biểu hiện không nặng lắm như dễ bực mình cũng là một tín hiệu đường huyết đang giảm.

Suy nghĩ vẩn vơ

Bộ não vốn đặc biệt nhạy cảm với glucose nên bạn sẽ hay nhầm lẫn, khó tập trung vào công việc hay học tập tại một thời điểm nếu bị hạ đường huyết.

Vấn đề thị giác

Nếu mắt bạn đột nhiên bị mờ đi hoặc bạn nhìn thấy hai hình ảnh, có thể là do lượng đường trong máu bị giảm.

Nói lắp

Khi bị thiếu đường, não không còn phát hiện ra sự thay đổi trong lời nói khiến bạn dễ nói lắp. Những người xung quanh sẽ hiểu lầm bạn bị say rượu, thiếu tỉnh táo, trong khi vấn đề thực sự là hạ đường huyết.

Mệt mỏi ban đêm

Hạ đường huyết vào ban đêm rất hay gặp và gây nên hiện tượng rối loạn giấc ngủ. Các triệu chứng bao gồm đổ mồ hôi, ác mộng, đột nhiên thức dậy và khóc. Một số người có cảm giác mệt mỏi chưa được nghỉ ngơi đủ và mơ hồ, hay nhầm lẫn khi ngủ dậy. Ăn nhẹ trước khi ngủ có thể giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này.

Run rẩy

Hệ thống thần kinh trung ương bắt đầu hoạt động kém khi nồng độ glucose mất cân bằng. Kết quả, catecholamine được giải phóng kích thích sản sinh glucose và khiến người bệnh bị run rẩy.

Ra mồ hôi

Đổ mồ hôi thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của hạ đường huyết. Đừng chủ quan nếu bạn đột ngột ra mồ hôi bất kể thời tiết nóng hay lạnh.

Chóng mặt, choáng váng

Nếu bạn đã trải qua những triệu chứng này, hãy nhanh chóng điều trị hạ đường huyết. Lượng đường trong máu giảm có thể dẫn đến ngất xỉu. Khi cảm thấy bản thân như sắp ngất, hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay lập tức để tránh bị thương. Trường hợp đang chạy xe thì giảm tốc độ và tấp vào lề, sau đó gọi nhờ người thân đến giúp.

Làm gì khi bị hạ đường huyết?

Sử dụng máy đo đường huyết hoặc các sản phẩm hỗ trợ kiểm tra đường huyết để biết chính xác mức đường huyết suy giảm.

Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết thì cần nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, uống súp hoặc một cốc nước đường. Nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi tỉnh táo hơn, nên ăn một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Nếu hạ đường huyết do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và chế độ ăn uống hằng ngày.

Để phòng bệnh, không nên nhịn đói quá lâu mà vẫn để cơ thể hoạt động thể lực quá mức. Không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.