Đau bụng kinh là một chứng bệnh khó chịu thường gặp ở nữ giới, nó không chỉ khiến chị em phụ nữ gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt mà có thể còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản sau này.

Hiện tượng đau bụng kinh ở phụ nữ

 

Đau bụng kinh là một thuật ngữ được dùng để chỉ một loạt các triệu chứng trước, trong và sau khi hành kinh bao gồm đau tức bụng dưới, đau thắt lưng, bụng có cảm giác đầy hơi, … Mức độ đau bụng kinh ở mỗi người là có sự khác nhau, những trường hợp bị đau bụng kinh ở mức độ nhẹ thường không quan tâm lắm đến chứng bệnh này, nhưng có những người bị đau quằn quại đến mức không thể chịu đựng được gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và sinh hoạt hằng ngày.

 


Đau bụng kinh là hiện tượng hay gặp trong ngày “đèn đỏ” của chị em phụ nữ

Hiện tượng đau bụng kinh được chia làm hai loại:

  • Loại 1: đau bụng kinh nguyên phát: Hiện tượng này thường gặp ở những bạn gái mới bắt đầu có kinh nguyệt và kéo dài trong khoảng 2 – 3 năm.
  • Loại 2: đau bụng kinh thứ phát: Hiện tượng này thường gặp ở những chị em đang trong độ tuổi sinh sản.

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng kinh. Trường hợp bạn bị đau bụng kinh nguyên phát thì nguyên nhân có thể là do sự co thắt quá độ của các cơ trong tử cung để đẩy máu kinh ra ngoài hoặc là do cổ tử cung quá hẹp, tử cung ở vị trí không bình thường.

Trong khi đó, nguyên nhân gây đau bụng kinh thứ phát chủ yếu là do các chị em đang mắc phải một bệnh phụ khoa nào đó như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung… Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng có thể bị đau bụng kinh do đặt vòng tránh thai, tâm lí không ổn định hay do hàm lượng chất prostaglandin (GS) trong máu kinh nguyệt tăng cao…

 

Đau bụng kinh có thể do bị mắc phải một số bệnh phụ khoa

Tình trạng đau bụng kinh được biểu hiện qua 3 mức độ đau khác nhau

  • Mức độ nhẹ: trước hoặc trong kì nguyệt san (thường là ngày hành kinh đầu tiên), chị em phụ nữ thường có dấu hiệu đau thắt lưng nhẹ, đau âm ỉ phần bụng dưới, đầy bụng, ngực căng.
  • Mức độ trung bình: ngoài triệu chứng đau bụng và đau lưng, chị em còn có một số triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, chân tay lạnh, bủn rủn.
  • Mức độ nặng: thường bị đau dữ dội với những cơn đau thắt lưng kéo dài, chân tay tê lạnh, mặt mũi xanh xao, ra nhiều mồ hôi kèm theo tình trạng nôn mửa, có trường hợp đau đến mức ngất đi gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Cách giảm đau bụng kinh hiệu quả

Sử dụng nhiệt

Áp môt ít nhiệt lên bụng thật sự có thể làm dịu cơn đau bụng kinh. Sử dụng một miếng dán nhiệt hoặc áp một bình nước ấm lên bụng. Tắm nước nóng bằng vòi hoa sen cũng là một giải pháp tốt. Bạn nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm sẽ giúp làm dịu cơn đau.

Tập thể dục

Bạn không muốn đến các phòng tập thể dục trong kì kinh nguyệt, tuy nhiên trên thực tế, một số bài tập nhẹ nhàng có thể giúp bạn rất nhiều trong việc làm giảm đau bụng kinh. Bạn có thể đi bộ nhanh hoặc đạp xe đạp trong những ngày “đèn đỏ”, vừa là để hít thở không khí trong lành vừa giúp thư giãn các cơ, thoải mái tinh thần và giảm khó chịu nhé.

Xoa bóp

Một số người sử dụng phương pháp xoa bóp để làm dịu các cơn đau. Cố gắng xoa bóp ở vùng bụng bị đau với những động tác nhẹ nhàng theo hướng vòng tròn. Để giảm những khó chịu trên, nhiều bạn đã chọn cách đấm lưng.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì việc đám lưng trong những ngày kinh nguyệt là có hại cho cơ thể bạn. Vì khi chúng ta dùng tay đấm vào lưng và thắt lưng có thể làm khoang chậu bị xung huyết nặng nề hơn, máu chảy tăng hơn, ra nhiều, liên tục và kéo dài thời gian hành kinh.

Chế độ ăn uống

Không nên ăn nhiều tinh bột, chất béo và các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng sẽ khiến cơ tử cung co bóp nhiều hơn gây hiện tượng đau bụng dữ dội. Không uống café, chè… các nước uống có chứa cafein.

Nên ăn nhiều cá, đặc biệt là cá hồi, cá ngừ có chứa hàm lượng omega 3 tự nhiên an toàn giúp giảm nhẹ sự co bóp cơ tử cung, giúp giảm đau khi có kinh nguyệt.

Nên bổ sung thịt bò, sữa trước chu kì kinh nguyệt khoảng 2 tuần, 2 loại thực phẩm này giàu canxi, giúp làm giảm lượng acid arachidonic hạn chế cơn đau.

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, B6, E, Magie, Kali, Canxi… Magie giúp giãn cơ trơn tử cung làm giảm cơn đau bụng kinh.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Vệ sinh sạch sẽ vùng kín vào những ngày này là rất cần thiết, tránh làm việc nặng, làm việc quá sức, không nên sinh hoạt tình dục trong những ngày này cũng giúp bạn giảm đau bụng kinh.

Khi nào cần đến bác sĩ

Nếu bạn có bất cứ lo lắng nào về cơn đau bụng kinh, hãy đến ngay bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. Đặc biệt, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu gặp bất cứ vấn đề như đau bụng nhiều, đau bụng thậm chí sau khi chu kì kinh nguyệt đã qua, ra máu giữa các chu kì kinh nguyệt hoặc ra máu nhiều hơn hoặc lâu hơn thường lệ, có chảy dịch bất thường từ âm đạo, đặc biệt khi nó có mùi hôi.

 

Nếu bị đau bụng kinh bất thường cần đến bệnh viện thăm khám

Trường hợp đau nhiều quá, các bạn có thể uống thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không được tự ý dùng bất kì một loại thuốc nào nếu không có hướng dẫn của bác sĩ.

Hi vọng với những chia sẻ của chúng tôi, chị em phụ nữ đã hiểu rõ hơn về hiện tượng đau bụng kinh và cách giảm đau bụng kinh để chứng bệnh này không còn là nỗi ám ảnh trong những ngày “đèn đỏ” nhé.