Một thông tin về sức khỏe hiện nay đang được khá đông người Việt chúng ta quan tâm đó chính là chỉ số đường huyết và những điều cần biết xoay quanh chỉ số này.

Chỉ số đường huyết và những điều cần biết

Chỉ số đường huyết là gì?

Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose – một loại đường đơn có trong máu. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên tục trong ngày, thậm chí thay đổi từng phút. Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh tiểu đường.

Quan trọng là đường huyết thường tăng lên đáng kể sau khi ăn no, giảm đi nếu bạn tập thể dục hoặc vận động thường xuyên.

Đơn vị đo đường huyết

Đường huyết thường được đo bằng milligrams trên deciliter (mg/dL) hoặc millimoles trên liter (mmol/L). Để chuyển đổi đơn vị, cách tính như sau:

  • Từ mmol/L -> mg/dL bằng cách nhân (x) với 18;
  • Từ mg/dL -> mmol/L bằng cách chia (:) cho 18

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Để biết chỉ số đường huyết bao nhiêu là ổn thì còn phụ thuộc vào tình trạng no – đói của chúng ta.

Đường huyết lúc đói

Đường huyết lúc đói được đo lần đầu vào buổi sáng, khi bạn chưa ăn hoặc uống gì. Chỉ số đường huyết lúc đói ở khoảng giữa 70 mg/dL (3.9 mmol/L) và 92 mg/dL (5.0 mmol/L) là bình thường.

Các chuyên gia y tế đã nghiên cứu và chỉ ra rằng những người có đường huyết lúc đói trong khoảng trên không phát triển bệnh đái tháo đường trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn.

Đường huyết sau ăn

Người bình thường khỏe mạnh có chỉ số đường huyết sau ăn là dưới 120mg/dL (6.6 mmol/L), được đo trong vòng 1 đến 2 giờ sau ăn.

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là thấp bất thường?

Khi lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L) thì được coi là hạ đường huyết. Lúc này phải đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

Nguyên nhân làm cho chỉ số đường huyết thay đổi thường xuyên

  • Ăn uống giờ giấc thất thường;
  • Do lao động chân tay hoặc tập thể dục thể thao quá mạnh;
  • Tự ý uống thuốc điều trị bệnh đái đường mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ ;
  • Do tâm lí bất ổn, stress kéo dài;
  • Uống quá nhiều rượu, bia.

Chỉ số đường huyết tăng cao quá có nguy hiểm không?

Khi ở mức bình thường, glucose là nhiên liệu quý giá để tạo năng lượng cho tất cả các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, khi nồng độ tăng lên một cách đột ngột, glucose không vào được tế bào có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng tiết insulin của các tế bào tuyến tụy. Để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, tuyến tụy phải làm việc ngày một nhiều hơn cho đến khi quá tải.

Đường huyết cao cũng có thể làm cho mạch máu bị xơ cứng, còn gọi là tình trạng xơ vữa động mạch. Mạch máu bị hư hỏng có thể dẫn đến một loạt vấn đề nghiêm trọng như:

  • Bệnh thận hoặc suy thận, cần phải lọc máu nhân tạo;
  • Đột quỵ não (nhồi máu não);
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Suy giảm thị lực hoặc mù lòa;
  • Suy giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Làm hỏng các dây thần kinh, gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường, gây ngứa, đau hoặc giảm cảm giác ở bàn chân, cẳng chân và bàn tay;
  • Làm chậm lành vết thương, gây viêm loét và phải cắt cụt chân (đoạn chi);
  • Rối loạn chức năng cương duơng,…

Vậy nên, theo các chuyên gia, nên duy trì đường huyết ở mức an toàn bằng một chế độ ăn uống khoa học, tích cực vận động và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa là chìa khóa để phòng ngừa và giảm tác hại của bệnh tiểu đường đối với cơ thể.