Rối loạn lipid máu là gì và điều trị thế nào, nguyên nhân của rối loạn lipid máu,… đang là những câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm. Thực ra, đây chính là tên gọi khác của rối loạn mỡ máu, cao mỡ trong máu, hay tăng mỡ máu mà ta thường nghe.

Y học dùng từ “rối loạn mỡ máu/ rối loạn lipid máu” là chính xác hơn, thay vì gọi tăng/giảm mỡ. Vì có nhiều loại mỡ trong máu, mà có một số loại khi tăng là không tốt đối với cơ thể, nhưng có loại lipid máu (như HDL – Cholesterol) có vai trò rất tốt giúp bảo vệ, chống bệnh tật nên càng cao lại càng tốt.

Theo các chuyên gia y tế, đối với người bình thường, chỉ số cholesterol ở mức < 5,2 mmol/ lít; triglyceride < 2,3 mmol/ lít. Nếu vượt quá giới hạn này sẽ dẫn đến rối loạn lipid máu.

Nguyên nhân chính của rối loạn lipid máu

Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, quá nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần…), chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì), uống nhiều rượu, hút thuốc lá… Một số trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan, mật…

Nguyên nhân gây tăng Triglycerid máu

  • Thiếu hụt gen lipase tiêu huỷ lipoprotein hoặc apolipoprotein C-II;
  • Tăng TG có tính chất gia đình;
  • Béo phì;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Đái tháo đường;
  • Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm kéo dài.

Nguyên nhân gây giảm HDL-C

  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì;
  • Lười vận động thể lực;
  • Đái tháo đường không phụ thuộc insulin;
  • Tăng TG máu;
  • Dùng thuốc chẹn bê ta giao cảm kéo dài;
  • Rối loạn gen chuyển hoá HDL.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng giúp ngừa rối loạn lipid máu

Đã bị rối loại lipid máu, thì ngoài việc dùng thuốc cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đừng để béo phì. Năng tập luyện thể dục thể thao là điều ai cũng nên làm, chứ không riêng gì người có bệnh rối loạn lipid máu.

  • Giảm cân theo chỉ số khối cơ thể BMI nếu có thừa cân, béo phì. Trong một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid nhẹ, bệnh có thể ổn định chỉ bằng chế độ ăn giảm cân.
  • Giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần ăn của bệnh nhân cho đến khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI.
  • Cần theo dõi cân nặng và BMI, duy trì cân nặng sau khi đạt BMI ở mức bình thường.
  • Giảm lượng chất béo (lipid) tùy theo BMI, chất béo chỉ nên chiếm 15 – 20% tổng năng lượng. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomát, margarin,…)

Dinh dưỡng cho người rối loạn lipid máu

Nên ăn gì để tránh rối loạn lipid máu

Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng…) và ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6. Ngoài ra có thể bổ sung dầu cá thiên nhiên vì nó có chứa nhiều acid béo không no.

Ăn nhiều rau quả và hạn chế uống rượu bia là điều mà bác sỹ khuyên cho nhiều loại bệnh, không riêng gì rối loạn lipid máu. Vì thế chúng ta nên tuân thủ để có một cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật nhé.

4.5/5 - (2 bình chọn)