Nhồi máu cơ tim là một căn bệnh nguy hiểm hàng đầu xuất hiện đã lâu, có nhiều nguyên nhân nhồi máu cơ tim ít người biết và lời khuyên cho tất cả chúng ta là dù ở độ tuổi nào cũng không nên chủ quan.

Các nguyên nhân và triệu chứng nhồi máu cơ tim

Theo giới y khoa, phần lớn nhồi máu cơ tim xuất hiện là do cục máu đông hiện diện trong lòng mạch máu nuôi tim (còn gọi là động mạch vành) làm tắc mạch máu. Mạch vành làm nhiệm vụ đem máu và oxy đến nuôi tim, nếu mạch máu bị tắc, tim sẽ thiếu oxy và tế bào cơ tim sẽ chết. Ngoài ra, nhồi máu cơ tim còn có thể do các mảng xơ vữa làm tắc hẹp mạch vành.

Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim

Các yếu tố khởi động bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Gắng sức bất thường, xúc động mạnh;
  • Chấn thương lồng ngực, trạng thái sốc;
  • Tim đập nhanh kịch phát, chảy máu nặng;
  • Lạm dụng thuốc lá;
  • Nghề nghiệp luôn làm cho thần kinh căng thẳng.

Các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch như hút thuốc lá, huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao, tăng hồng cầu, loét dạ dày tá tràng và tiền sử gia đình có bệnh tim mạch lúc trẻ.

Các yếu tố thuận lợi dẫn đến một cơn nhồi máu cơ tim thường rất khó biết chính xác. Nó có thể xảy ra:

  • Khi đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ;
  • Sau khi hoạt động thể lực tăng đột ngột;
  • Khi hoạt động ngoài trời lạnh;
  • Sau một căng thẳng tâm lý hoặc bệnh nặng;

Một tình trạng khẩn cấp gây nên nhồi máu cơ tim nặng có thể gây sốc tim, có thể đe dọa tính mạng vì toàn bộ cơ thể bị thiếu máu nuôi.

Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim

  • Đau ngực: là triệu chứng thường gặp nhất với cảm giác đau nhói ngực vùng trước tim, lan ra vai, tay, lên cổ, răng, hàm hoặc lan sau lưng. Đôi khi, có cảm giác nặng ngực như có một lực gì đó bóp chặt quanh ngực.
  • Có thể là cảm giác ăn không tiêu, đau thượng vị (dễ nhầm với đau bao tử nên dễ bị bỏ sót);
  • Các triệu chứng khác bao gồm: lo lắng, ho, mệt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, hồi hộp, thở dốc, đổ mồ hôi;
  • Một số người lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường, hay phụ nữ có chỉ đau ngực nhẹ hoặc không đau, hoặc có những triệu chứng không thường gặp như thở dốc, mệt;
  • Nhồi máu cơ tim thầm lặng là cơn nhồi máu không có triệu chứng báo trước.

Một số cách phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim

Dù nhồi máu cơ tim nằm trong danh sách những bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới, nhưng ta vẫn có thể tự mình chủ động tránh bàng một cuộc sống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và đi khám bệnh tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm 1 lần.

Với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh thì nên ăn kiêng, chống béo phì, bữa ăn nên có nhiều rau quả và hạn chế mỡ động vật. Song song đó là chú ý điều trị hoặc kiểm soát tốt các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, loét dạ dày tá tràng. Tuân thủ các phương pháp điều trị của thầy thuốc.

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, ta cần có chế độ nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, không gắng sức quá, tránh xúc động mạnh, tập luyện những bài thể dục thể thao nhẹ nhàng. Tránh những môn thể thao gắng sức. Đặc biệt, quý ông cần hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá và các chất kích thích.

4.3/5 - (6 bình chọn)